Lứa tuổi mầm non là giai đoạn vàng cho trẻ phát triển ngôn ngữ tổng thể, đặc biệt là tiếp thu ngôn ngữ thứ hai và thúc đẩy sự phát triển tư duy toàn diện thông qua học ngoại ngữ. Bên cạnh việc lựa chọn trường và phương pháp hướng dẫn Tiếng Anh cho trẻ mầm non, gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự hỗ trợ và tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc, nâng cao khả năng Tiếng Anh.
Các gợi ý dưới đây đều dễ dàng thực hiện và luyện tập tại nhà cùng trẻ, ba mẹ có thể áp dụng đồng thời, kết hợp nhiều phương pháp tùy theo thế mạnh, sở thích của trẻ nhé!
1. Hướng dẫn trẻ bằng câu chuyện, sách, truyện tranh
Hướng dẫn Tiếng Anh cho trẻ thông qua câu chuyện, sách và truyện tranh là một phương pháp hết sức hiệu quả và thú vị. Bằng cách kết hợp học hỏi và giải trí, trẻ sẽ trải nghiệm một cách tự nhiên và tương tác với ngôn ngữ mới dễ dàng và đầy hào hứng. Đặc biệt, khi đọc truyện cho trẻ nghe, chú ý phát âm chuẩn xác, ngữ điệu phù hợp để trẻ có thể dễ tiếp nhận ngôn ngữ Tiếng Anh và rèn kỹ năng phát âm chuẩn ngay từ nhỏ.
2. Cho trẻ nghe nhạc Tiếng Anh
Khi nghe nhạc Tiếng Anh, trẻ không chỉ được tiếp xúc với âm điệu của ngôn ngữ, mà còn học cách sử dụng từ vựng và ngữ pháp một cách tự nhiên. Những bài hát đa dạng chủ đề về cuộc sống hàng ngày có thể giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng và cải thiện khả năng nghe hiểu. Bên cạnh đó, việc lắng nghe các giọng điệu và phát âm khác nhau từ các ca sĩ người bản ngữ sẽ hỗ trợ trẻ rèn luyện khả năng phát âm và giao tiếp Tiếng Anh một cách tự tin.
3. Cho trẻ tiếp xúc Tiếng Anh qua các trò chơi
Vừa chơi vừa học không chỉ giúp trẻ giải trí mà còn dễ dàng tiếp thu kiến thức, mở rộng vốn từ vựng và nâng cao phản xạ giao tiếp. Các trò chơi thú vị luôn gây hứng thú cho trẻ trong quá trình học và dễ dàng ghi nhớ hơn.
4. Xem phim hoạt hình bằng Tiếng Anh
Xem phim hoạt hình là cách để trẻ cải thiện phát âm và xây dựng ngữ điệu Tiếng Anh chuẩn. Trẻ có cơ hội nghe và mô phỏng phát âm, ngữ điệu từ các nhân vật trong phim, nhiều từ vựng mới và cụm từ thú vị. Ba mẹ nên lựa chọn những bộ phim phù hợp với lứa tuổi, năng lực của trẻ.
5. Cho trẻ học từ vựng qua hình ảnh/ Flashcard
Trẻ nhỏ luôn hứng thú với các hình ảnh trong quá trình học tập. Đó là lý do những thẻ Flashcard luôn được tận dụng triệt để để hướng dẫn Tiếng Anh cho trẻ mầm non. Ba mẹ có thể mua những bộ flashcard có hình ảnh, từ vựng, nghĩa Tiếng Việt để dễ dàng cùng trẻ học Tiếng Anh ở bất cứ đâu.
6. Cho trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường nói Tiếng Anh hay đa ngôn ngữ
Việc cho trẻ tiếp xúc với môi trường nói Tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác từ sớm có lợi ích đặc biệt cho trẻ phát triển ngoại ngữ. Khi trẻ thường nghe và thấy các ngôn ngữ khác nhau xung quanh, não bộ sẽ trở nên linh hoạt và dễ dàng nhận biết, tiếp thu ngôn ngữ mới. Ba mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia các CLB Tiếng Anh, thử sức các cuộc thi, trò chơi Tiếng Anh, tích cực thực hành và giao lưu các bạn bè đồng trang lứa bằng Tiếng Anh.
7. Sử dụng Tiếng Anh trong các tình huống hàng ngày
Với ba mẹ có thể sử dụng Tiếng Anh, nên thường xuyên giao tiếp Tiếng Anh trong đời sống hằng ngày để trẻ được vận dụng ngữ pháp – từ vựng đã học vào ngữ cảnh thực tế. Từ đó, trẻ sẽ hình thành phản xạ và sự tự tin – yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng ngoại ngữ. Ba mẹ có thể sử dụng các tình huống hàng ngày và các đồ vật xung quanh nhà để thực hành ngôn ngữ một cách tự nhiên và phù hợp với ngữ cảnh, mang lại kết quả cao. Một số ví dụ có thể áp dụng:
Nói về quần áo khi trẻ đang mặc đồ hoặc khi bạn đang phân loại đồ giặt: This is blue socks (Đây là đôi tất màu xanh), Put your shirt on (Hãy mặc áo vào đi con). Hướng dẫn về đồ chơi, đồ nội thất khi bạn và trẻ đang cùng nhau dọn dẹp nhà cửa: Put the teddy bear on the bed (Hãy đặt gấu bông lên giường), Where is green car? (Chiếc ô tô màu xanh ở đâu?).
Hy vọng những gợi ý trong bài có thể giúp ba mẹ tìm ra phương pháp hướng dẫn Tiếng Anh cho trẻ mầm non phù hợp nhất. Đây sẽ là bước đệm vững chắc hỗ trợ trẻ chuẩn bị sẵn sàng cho thành công và trở thành công dân toàn cầu trong tương lai.
Nguồn tham khảo: Vinschool