Hãy để “trẻ tự thân vận động” là cụm từ phổ biến mà phương pháp Montessori hay nhắc đến. Tâm lý trẻ là luôn muốn tự làm mọi việc. Nếu ba mẹ có thể giúp trẻ đạt được điều đó bằng cách trao quyền cho trẻ, trẻ sẽ cảm thấy mình có năng lực, tự tin vào bản thân.
Vì tập trung vào sự độc lập nên ba mẹ thường bị sốc khi nhìn thấy con cái của mình tự làm tất cả mọi thứ ở trường. “Con tôi không bao giờ làm điều này ở nhà!” – là phản ứng chung của các ba mẹ khi thấy trẻ làm các việc trong lớp học Montessori.
Theo phương pháp Montessori, có những việc dưới đây ba mẹ nên để trẻ tự làm từ nhỏ và khuyến khích con em mình làm để tự lập và chủ động hơn trong cuộc sống sau này:
1. Mặc quần áo
Từ thời điểm trẻ bước vào lớp học Montessori vào khoảng 18 tháng tuổi, trẻ được khuyến khích tự mặc quần áo. Ban đầu, hành động này của trẻ diễn ra chầm chậm, từ từ và thường bắt đầu với hành động thay quần áo trước, dần dần đến cách buộc dây giày. Ba mẹ hãy chọn thời điểm không vội vã để cùng trẻ tập luyện. Quần áo và giày dép nên chọn những bộ dễ mặc, không quá rườm rà. Sau khi ba mẹ đã chỉ cho trẻ một vài lần, hãy cho trẻ thời gian quan sát, trợ giúp trẻ khi cần thiết.
2. Tự lau mũi
Trẻ học theo phương pháp Montessori có thể tiếp cận với khăn giấy và được khuyến khích thực hành lau mũi của mình trước gương để trẻ có thể nhìn thấy khuôn mặt sạch sẽ khi lau xong. Trẻ cũng có thể tự làm các hoạt động chăm sóc bản thân cơ bản khác như rửa mặt, lau khô cơ thể sau khi tắm, rửa tay bằng xà phòng, chải tóc… Việc trẻ tự làm có thể không diễn ra nhanh chóng hoặc hoàn hảo, nhưng việc ba mẹ trao quyền cho trẻ tự thực hiện những việc này sẽ làm tăng nhận thức về cơ thể của trẻ và giúp trẻ tự tin phát triển kỹ năng mới.
3. Sắp xếp bàn ăn
Từ lúc còn bé, trẻ Montessori đã giúp ba mẹ sắp bàn ăn. ba mẹ có thể bắt đầu dạy con kỹ năng này bằng cách nhờ trẻ làm gì đó đơn giản như mang một chiếc đĩa vào bàn hoặc tự cầm hộp cơm trưa của mình. Khi trẻ lớn lên, tầm 3 đến 6 tuổi, trẻ có thể tự trải khăn ăn, đặt đĩa, thìa và cốc nước. Ba mẹ hãy đặt giá đựng đồ dùng đựng thức ăn thấp để trẻ có thể tự lấy. Ba mẹ chỉ cho trẻ cách mang từng đồ vật một cách cẩn thận, hai tay chỉ cầm một đồ vật mỗi lần.
4. Lau bàn và sàn nhà
Trẻ thích trải nghiệm cảm giác làm việc với xà phòng với nước và cảm nhận được niềm tự hào lớn lao khi nhìn thấy kết quả lao động của mình. Để thử điều này ở nhà, ba mẹ hãy đưa cho trẻ một cây chổi nhỏ và khuyến khích trẻ giúp ba mẹ quét dọn sau bữa ăn. Ba mẹ cũng có thể đưa cho trẻ một bàn chải và cho trẻ thời gian chà cọ rửa đồ chơi trẻ đã chơi trong nhà.
5. Sắp xếp đồ chơi của mình
Trẻ Montessori được dạy tự sắp xếp đồ chơi sau khi chơi xong mà không cần phải ai nhắc nhở. Trong lớp sẽ chia khu, mỗi khu có một vị trí cụ thể để đựng những đồ riêng, như khu đồ chơi, khu sách vở… và trẻ hiểu được dạy tự sắp xếp gọn gàng và dọn sạch các khu vực đó sau khi chơi xong.
6. Tự chuẩn bị thức ăn
Trẻ có thể giúp đỡ hoặc chuẩn bị một món salad riêng hay cho trẻ tự làm một món ăn độc lập. Ba mẹ từ từ giới thiệu cho trẻ những công cụ và kỹ năng cần thiết trong nhà bếp. Ba mẹ cần phải luôn theo dõi sự an toàn của trẻ, nhưng cũng cho trẻ cơ hội tự do làm việc một mình.
7. Giải quyết vấn đề với bạn bè
Khi trẻ cãi nhau với một người bạn hoặc anh chị em, ba mẹ hãy lùi lại một bước và xem cách trẻ tự xử lý tình huống. Ba mẹ bước vào can thiệp nếu bọn trẻ có dấu hiệu dùng bạo lực hoặc tình huống đã trở nên quá gay gắt, nhưng ba mẹ chỉ nên khuyên giải tối thiểu để giúp trẻ tự mình vượt qua tình huống.
8. Tự chơi một mình
Ba mẹ có thể vui chơi với trẻ là một điều tuyệt vời, nhưng đừng ngại nói với trẻ rằng “Nếu ba mẹ bận, con cần học cách tự chơi một mình”. Ba mẹ có thể nói một điều gì đó như “Mẹ sẽ rửa chén bát rồi sẽ chơi với con nhé!”. Từ từ kéo dài thời gian đến khi trẻ cảm thấy thoải mái khi chơi một mình.
9. Chăm sóc thú cưng
Trẻ có thể cho thú cưng ăn, uống nước hàng ngày và thậm chí trẻ còn có thể giúp tắm rửa sạch và dọn dẹp sạch môi trường sống của con vật. Nếu ba mẹ cho trẻ nuôi một con vật ở nhà, hãy cho trẻ biết cách cho con vật ăn hoặc chỉ cho trẻ cách rửa bát thức ăn của vật nuôi để giữ cho nó sạch sẽ.
10. Suy nghĩ độc lập
Giáo viên Montessori thường trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi. “Con có thể tìm kiếm điều đó ở đâu? Con nên làm gì tiếp theo? Con đang thiếu gì?”. Điều này khuyến khích trẻ suy nghĩ thông qua một vấn đề chứ không để người lớn trả lời hộ. Ba mẹ có thể sử dụng các câu hỏi tương tự những câu hỏi ở trên để giúp trẻ suy nghĩ độc lập hơn.