Làm thế nào để khuyến khích trẻ làm quen với nhạc cụ?

uyen vo 06/12/2023

Trẻ luôn có xu hướng yêu thích âm nhạc nhưng lại không quá để tâm vào việc luyện tập với nhạc cụ thường xuyên và đều đặn. Việc ba mẹ nhắc nhở trẻ ngồi vào luyện tập, và đôi khi là cách nhắc nhở trẻ sẽ không mang đến kết quả tốt đẹp nào cả mà thậm chí còn có thể trở thành nguồn cơn xung đột giữa ba mẹ và trẻ. Hơn thế nữa, la mắng hoặc hứa hẹn thưởng chỉ khiến cho hoạt động này giống như làm một công việc nhà. Dần dần, trẻ có khả năng sẽ ngừng chơi nhạc cụ ngay khi trẻ có thể tự quyết định. Vậy, ba mẹ có thể làm gì để khuyến khích các nhạc công nhí chủ động luyện tập thường xuyên hơn? Hãy thử những cách sau được rút ra từ nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi các nhạc sĩ, giáo viên và nhà tâm lý học giáo dục nhé.

1. Bắt đầu học từ bé và làm cho trẻ cảm thấy hứng thú 


Hầu hết các trẻ nhỏ đều thích hát hò, vận động và cũng không quá quan tâm đến những ánh mắt xung quanh khi trẻ hát sai hoặc đánh sai nốt nhạc. Ngược lại, các thanh thiếu niên có phần ngần ngại và e dè ánh mắt của bạn bè hoặc những người khác khi bắt đầu luyện tập. 


Chơi nhạc thường xuyên khiến việc tạo ra những giai điệu là bình thường đối với trẻ, từ đó phát triển thói quen tự luyện tập một các thường xuyên. Ba mẹ có thể thử cho trẻ tiếp xúc với một ứng dụng âm nhạc trong giai đoạn sơ kỳ, sau đó trẻ sẽ dần chuyển từ học dựa trên trò chơi sang học có cấu trúc và lý thuyết hơn khi trẻ sẵn sàng và đủ khả năng. 


Quan trọng hơn hết là những trải nghiệm này phải thật sự thú vị đối với trẻ. Vì thế, ba mẹ có thể tham gia cùng với con mình để con thấy rằng âm nhạc thật sự thú vị khi có ba mẹ cùng con tạo nên các giai điệu và niềm vui.


2. Dành lời khen vì sự cố gắng của trẻ chứ không phải vì tài năng 


Chúng ta thường nghe những lời khen ngợi dành cho các nghệ sĩ vì họ quá tài năng mà quên mất rằng việc họ quá tài năng trên phím đàn thực chất đều là kết quả của quá trình nỗ lực không ngừng và học hỏi. Vì thế, việc khen trẻ có khiếu chơi nhạc cụ sẽ là những lời khen cố định về khả năng âm nhạc của con trẻ. Bởi trẻ sẽ phân ra thành hai kiểu người: có tài hoặc không có tài trong một lĩnh vực nào đó. Từ đó, trẻ sẽ xem những khó khăn của bản thân trong quá trình học nhạc là dấu hiệu cho thấy bản thân mình không có tài. 


Vậy nên, ba mẹ nên khen ngợi sự cố gắng của trẻ trong quá trình học nhạc. Vì những lời khen đó sẽ khiến con yêu hiểu rằng luyện tập chính là chìa khóa để mọi thứ dần trở nên hoàn thiện. 


3. Khuyến khích nghe những loại âm nhạc phù hợp với từng giai đoạn 


Đa số trẻ thường thích nghe những loại âm nhạc đáp ứng được sở thích của trẻ và chạy theo thời đại. Tuy nhiên, đôi lúc đây lại là một vấn đề đáng được quan tâm. Có những thể loại nhạc không phù hợp để hướng dẫn trẻ làm quen với âm nhạc hoặc cách chơi nhạc cụ và sẽ gây ra những phản ứng ngược lại cho giọng hát hoặc khả năng điều khiển tay chân khi chơi nhạc cụ bởi sự vượt xa của những loại nhạc đó. Vậy nên, khi bắt đầu vào công cuộc đưa trẻ đến với âm nhạc, ba mẹ nên nghiên cứu thật kỹ và chọn những giáo viên với bằng cấp và chất lượng giảng dạy cao thay vì những người hướng dẫn với những thành tựu nhất thời từ các chương trình âm nhạc hoặc những người chạy theo xu hướng. 


4. Trân trọng thời gian âm nhạc của trẻ


Các tiết học, kỳ thi và việc luyện tập âm nhạc đều quan trọng như nhau. Tuy nhiên, âm nhạc suy cho cùng chỉ nên là một hoạt động bổ sung thêm vào trong lịch trình của trẻ.Vì thế, ba mẹ đừng ép con mình ngồi vào phòng và luyện tập quá mức. Cách tốt nhất là tạo ra một môi trường mà trong đó âm nhạc là một phần quan trọng của gia đình và nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc của trẻ. Ba mẹ có thể khuyến khích trẻ hát hoặc biểu diễn trong những dịp sum họp. Những lúc trẻ bận học, ba mẹ hãy cảm thông với những bận rộn đó của trẻ và đừng bao giờ la mắng con mình vì đã bỏ bê việc luyện tập với âm nhạc trong những khoảng thời gian đó.

—————————-

Cre: theparentswebsite

Translated by TOMIA – Hệ thống quản lý trường học